Những cơn đau, co thắt ở vùng bụng thường khiến mọi người nghĩ đến các bệnh về tiêu hóa nhưng lại hay nhầm lẫn giữa viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa và viêm đại tràng. Sau đây là cách đơn giản để xác định đúng bệnh mà mình mắc phải nhé.
1. Viêm loét dạ dày
Là bệnh gây ra bởi sự mất cân bằng acid dẫn đến lớp niêm mạc dạ dày bị phá hủy gây viêm loét dạ dày.
Vị trí đau ở vùng thượng vị, ngay dưới xương ức.
Đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn thức ăn chua cay, uống bia rượu…, khi đói hoặc ăn quá no hay khi bị căng thẳng thần kinh.
Cảm giác đau nóng rát kèm theo ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, buồn nôn.
2. Rối loạn tiêu hóa
Bệnh do tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột, thiếu hụt các lợi khuẩn đóng vai trò trong hoạt động tiêu hóa.
Thường có cảm giác đau ở vùng bụng trái, có thể lan sang lưng đau từng cơn hoặc âm ỉ cả ngày.
Cảm giác đau lâm râm, nặng bụng, sình bụng hay ran rát.
Đi kèm dấu hiệu đau bụng là bị đầy hơi, người bệnh thường ợ và xì hơi thường xuyên. Đi đại tiện không đều, lúc tiêu chảy lúc táo bón.
3. Viêm đại tràng
Bệnh do tình trạng viêm nhiễm khiến niêm mạc đại tràng bị tổn thương, do vi khuẩn và ký sinh trùng tấn công qua đường ăn uống hoặc thứ phát sau các bệnh tiêu hóa khác.
Đau âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện.
Đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng.Triệu chứng tiêu chảy hay gặp vào buổi sáng hoặc khi ăn đồ lạ, uống sữa. Hoặc có triệu chứng táo bón kéo dài.
Bụng trướng hơi, tại khu trú dọc khung đại tràng luôn cảm thấy căng tức, khó chịu.
Cách ăn uống để hạn chế các bệnh tiêu hóa trên.
Viêm loét dạ dày: Không ăn những món có nhiều gia vị, chua, cay và ăn quá no, nên nhai kĩ, nuốt chậm. Nên ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu hóa như cháo, mì sợi nhỏ, cơm nhão…. vì chúng có chất kiềm, có tác dụng làm bão hòa axít trong dạ dày. Ngoài ra, người bị đau dạ dày, còn phải giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, gây dựng thói quen tốt trong sinh hoạt, không nên làm việc quá mệt mỏi, căng thẳng, hút thuốc lá và uống rượu.
Rối loạn tiêu hóa: Tránh ăn hành tây, tỏi, đậu, cần tây, bắp cải, mận, chuối, nho khô, rau húng quế… Đừng uống quá nhiều cà phê cũng như uống sữa. Tránh các thức ăn, nước uống chứa quá nhiều sorbitol (đây là đường dùng trong các loại nước ngọt), kẹo cao su hoặc quá nhiều đường fructose (như trong mật ong và một số trái cây). Bệnh nhân nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước nhất là với người có khuynh hướng bị tiêu chảy và táo bón.
Viêm đại tràng: Nếu bệnh nhân viêm đại tràng bị táo bón nên ăn bổ sung chất xơ, ăn nhiều hoa quả và rau xanh; bị tiêu chảy thì hạn chế các đồ ăn như hoa quả tươi, nước trái cây. Chọn thức ăn giàu omega 3 như các loại cá. Không dùng thực phẩm làm từ sữa, giảm lượng đồ ngọt và không uống rượu hay cà phê.