BỆNH SỞI LÀ GÌ? DẤU HIỆU, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH CHUẨN ĐOÁN
- Người viết: Admin lúc
- Sức khỏe mỗi ngày
- - 0 Bình luận
Bệnh sởi là bệnh như thế nào?
Bệnh sởi là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus sởi gây ra, thường gây sốt, phát ban… và có khả năng lây lan mạnh mẽ qua đường hô hấp. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc phải nếu chưa từng tiêm phòng. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Mức độ nguy hiểm của bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Mù lòa, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, viêm màng não…là các biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi có thế dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai cũng có thể gây ra sảy thai, đẻ non. Ngoài ra, bệnh sởi còn có một năng lực vô cùng nguy hiểm là “xóa trí nhớ miễn dịch”. Sởi có thể phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể người.
Năm 2010, trên thế giới có khoảng 139.000 ca tử vong do bệnh sởi. Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc - xin.
Nguyên nhân bệnh sởi
Sởi có khả năng lây lan nhanh từ người này sang người khác thông qua giao tiếp hàng ngày hoặc tiếp xúc với đồ vật có dính virus. Bệnh lý truyền nhiễm này do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae (sống trong mũi và họng của người bệnh) gây ra.
Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, những giọt nước bọt có chứa virus sẽ bắn ra không khí và lơ lửng trong không khí trong khoảng từ 1 đến 2 giờ. Người khỏe mạnh hít phải, chạm tay vào bề mặt nhiễm bệnh sau đó đưa lên mũi, miệng hoặc dụi mắt đều có nguy cơ cao nhiễm sởi.
Khoảng 90% người chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi đều bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh. 1 bệnh nhân sởi sẽ lây cho 12-18 người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm phòng.
Ngoài ra, sởi còn có thời kỳ lây truyền bệnh dài. Bệnh có khả năng lây truyền vào thời điểm trước khi phát ban 4 ngày và sau khi phát ban 4 ngày. Sởi có khả năng lây truyền cao, chỉ có thể chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên.
Nhìn chung, nguyên nhân bệnh sởi có thể lây lan qua các con đường sau:
- Chia sẻ đồ uống hoặc thức ăn với người bị bệnh sởi.
- Tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi (như hôn, nắm tay, bắt tay, ôm…).
- Chạm vào bề mặt có chứa virus rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.
- Lây từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.
Triệu chứng của bệnh sởi
Các triệu chứng của bệnh sởi hay dấu hiệu bệnh sởi, biểu hiện của bệnh sởi thường xuất hiện sau khoảng 10 đến 12 ngày tiếp xúc với virus, bao gồm:
- Sốt
- Ho khan
- Sổ mũi, chảy nước mũi
- Đau họng
- Mắt đỏ (viêm kết mạc)
- Phát ban trên da từng mảng lớn, phẳng
- Không chịu được ánh sáng
- Những nốt nhỏ xíu có tâm màu trắng hơi xanh xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik
- Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau
Những giai đoạn của bệnh sởi
1. Nhiễm virus và ủ bệnh
Trong 10 đến 14 ngày đầu sau khi nhiễm bệnh, virus sởi lây lan trong cơ thể. Người bệnh không nhận thấy biểu hiện của bệnh trong giai đoạn này.
2. Triệu chứng không đặc hiệu
Trong giai đoạn đầu, các dấu hiệu bệnh sởi thường không đặc hiệu. Triệu chứng bắt đầu bằng sốt trung bình đến cao, thường kèm theo ho dai dẳng, sổ mũi, viêm kết mạc và đau họng. Các dấu hiệu kéo dài khoảng 2 đến 4 ngày.
3. Bệnh cấp tính và phát ban
Một trong những dấu hiệu bị bệnh sởi là tình trạng phát ban với các đốm đỏ nhỏ, một số đốm hơi nổi lên bề mặt da. Các đốm và cục u tập trung thành từng cụm, khiến da có màu đỏ loang lổ. Trong đó, mặt là vùng đầu tiên xuất hiện phát ban. Trong vài ngày tiếp theo, phát ban lan dần xuống cánh tay, ngực và lưng, sau đó lan xuống đùi, cẳng chân, bàn chân. Đồng thời, sốt tăng đột ngột, thường lên đến 40 – 41 độ C, khi ban mọc hết toàn thân thì sốt giảm.
4. Phục hồi
Phát ban sởi có thể kéo dài khoảng 7 ngày. Sau đó, dấu hiệu phát ban dần mờ đi, ban đầu là ở mặt, cuối cùng là vùng đùi và bàn chân. Khi các triệu chứng khác của bệnh biến mất, tình trạng ho, sạm da hoặc bong tróc ở vùng da phát ban có thể kéo dài thêm khoảng 10 ngày.
Phòng ngừa bệnh sởi
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi là tiêm vắc - xin.
Vắc-xin sởi, thường được kết hợp với vắc - xin quai bị và rubella (MMR), là một trong những vắc-xin an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Tiêm vắc-xin không chỉ bảo vệ bản thân mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.
Ngoài việc tiêm phòng, duy trì vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, sử dụng khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi và vứt vào thùng rác, tránh tiếp xúc với người bệnh cũng là những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh sởi.
Bệnh sởi tuy là một bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc tiêm phòng và duy trì các biện pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bạn.
Viết bình luận
Bình luận