Mùa mưa lũ không chỉ mang đến những thiệt hại về tài sản và môi trường, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Sự ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm và điều kiện vệ sinh kém có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, dẫn đến hàng loạt các bệnh tiêu hóa nguy hiểm. Hãy cùng Y Phúc tìm hiểu về những bệnh tiêu hóa thường gặp trong mùa mưa lũ và cách phòng ngừa hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Những bệnh tiêu hóa phổ biến trong mùa mưa lũ
1. Tiêu chảy cấp
Trong mùa mưa lũ, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước bẩn, rác thải, hóa chất và chất thải sinh hoạt. Điều này làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và virus gây tiêu chảy cấp như E.coli, Rotavirus…
Gia súc là ổ chứa vi khuẩn E.coli quan trọng nhất, đặc biệt là những loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 10 ngày, trung bình 3 - 4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn E.coli trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần. Thông thường, những người bị nhiễm vi khuẩn E.coli sẽ hồi phục trong khoảng thời gian 5-10 ngày không cần dùng thuốc.
Bệnh tiêu chảy cấp có triệu chứng điển hình như đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả phân toàn nước đục như nước vo gạo); nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, có thể bị chuột rút.
Bệnh tiêu chảy cấp có thể gây mất nước nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và người già.
Biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như:
- Với bệnh nhẹ, người bệnh khát nước, môi khô, da khô, nhăn nheo.
- Nếu nặng hơn, biểu hiện mặt hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu tiện ít hoặc không có nước tiểu, chân tay lạnh… nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn. Thời gian tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rấ nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
2. Thương hàn
Bệnh thương hàn lây lan qua nước và thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella typhi. Vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa và sau khi chết sẽ giải phóng nội độc tố. Càng nhiều vi khuẩn Salmonella chết đi thì chúng càng tiết ra nhiều độc tố để tấn công cơ thể người bệnh. Nội độc tố của vi khuẩn Salmonella có thể tác động tiêu cực đến ruột, gây tổn thương niêm mạc ruột, kích thích gây đau bụng khó chịu, gây chảy máu, thậm chí thủng ruột.
Có hai đường chính lây nhiễm bệnh gồm: ăn thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn, không được nấu chín; tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, tay chân, đồ dùng.
Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, hay tiếp xúc với chất thải, đồ dùng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào đang sinh sống và làm việc tại những nơi có điều kiện sống bất lợi như nguồn nước bị ô nhiễm, chất thải không được xử lý.
Thời kỳ ủ bệnh: Phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể người cảm thụ, trung bình từ 8 - 14 ngày.
Thời kỳ khởi phát: Sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau cơ các chi, mất ngủ, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy.
Thời kỳ toàn phát: Từ tuần thứ 2 và kéo dài 2 – 3 tuần. Sốt cao liên tục 39 – 400C kèm theo nhức đầu và mệt mỏi. Rét run từng cơn. Dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng: môi khô, má đỏ, lưỡi bẩn, hơi thở hôi; bệnh nhân không tỉnh táo rồi dần chuyển thành hôn mê. Đi ngoài phân lỏng, trướng bụng, đầy hơi, đau nhẹ lan khắp bụng; gan to, lách to gặp 30 - 50% các trường hợp.
3. Tả (cholera)
Bệnh tả gây ra bởi vi khuẩn Vibrio Cholerae, lây lan qua việc uống nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Dịch tả có thể bùng phát nhanh chóng trong điều kiện mưa lũ khi hệ thống cấp thoát nước bị phá hủy hoặc ô nhiễm. Người bị nhiễm tả thường có triệu chứng tiêu chảy dữ dội, mất nước nghiêm trọng và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá, do phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae gây ra. Cụ thể là độc tố dịch tả do vi khuẩn tả sinh ra trong ruột non, các chất độc liên kết với thành ruột và cản trở dòng chảy bình thường của clorua và natri. Điều này kích thích cơ thể tiết ra một lượng lớn nước, gây tiêu chảy.
Người bị nhiễm tả thường có triệu chứng nôn, tiêu chảy dữ dội, mất nước và mất điện giải nghiêm trọng và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Các thể bệnh tả:
- Thể bệnh tả không triệu chứng
- Thể nhẹ: bệnh tả giống như tiêu chảy thường
- Thể điển hình: bệnh tả có diễn biến cấp tính, biểu hiện là nôn và tiêu chảy số lượng lớn
- Thể tối cấp: bệnh tả diễn tiến nhanh chóng, mỗi lần đi tiêu chảy mất rất nhiều nước, vô niệu, toàn thân suy kiệt nhanh chóng sau vài giờ tiêu chảy và có thể tử vong do trụy tim mạch
4. Viêm gan A
Viêm gan A hay còn gọi là viêm gan siêu vi A là do virus viên gan A gây ra. Đường lây truyền viêm gan A chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn trái cây, rau hoặc thực phẩm khác bị ô nhiễm trong quá trình xử lý; ăn động vật có vỏ sống dưới nước có virus trong đó, nguồn nước uống bị nhiễm bẩn.
Các triệu chứng của viêm gan A là: vàng da, đau bụng, ăn không ngon, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, sốt. Bệnh nhân thường bị suy giảm chức năng gan. Tuy nhiên, căn bệnh này không nguy hiểm như các loại viêm gan virus khác. Các triệu chứng thường kéo dài không quá 6 tháng.
5. Nhiễm khuẩn đường ruột
Các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột như Shigella, Campylobacter thường sinh sôi mạnh trong điều kiện vệ sinh kém và thực phẩm không đảm bảo an toàn, nguồn nước bị ô nhiễm. Người nhiễm bệnh có thể bị đau bụng, tiêu chảy và thậm chí là nhiễm trùng huyết nếu bệnh trở nên nghiêm trọng.
Các triệu chứng bệnh do vi khuẩn Shigella gây ra bao gồm: sốt (đối với trẻ em có thể sốt rất cao); co thắt ở vùng bụng theo cơn; tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa; đau cơ hoặc mỏi cơ, trong phân có máu hoặc chất nhầy. Đối với trẻ em nếu bị tiêu chảy ra máu, tiêu chảy cùng lúc với mất nước, sụt cân và sốt 38 độ C trở lên cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị để tránh các biến chứng khó lường.
Các triệu chứng do vi khuẩn Campylobacter gây ra thường bị tiêu chảy (hay có máu trong phân), sốt và co thắt dạ dày (đau quặn bụng). Đôi khi, tiêu chảy còn kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn. Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện sau 2–5 ngày từ khi nhiễm khuẩn và kéo dài trong vòng 1 tuần.
Cách phòng ngừa bệnh tiêu hóa trong mùa mưa lũ
- Sử dụng nguồn nước sạch
Luôn sử dụng nước đã đun sôi hoặc nước lọc sạch cho ăn uống và nấu nướng.
- Bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn
Luôn đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ trước khi sử dụng.
Tránh ăn các loại thực phẩm sống như rau sống, hải sản tươi sống trong mùa mưa lũ.
Đậy kín và bảo quản thực phẩm cẩn thận, tránh để thức ăn tiếp xúc với nước bẩn hoặc môi trường bị ô nhiễm.
Lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, vệ sinh. Chỉ ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi.
- Vệ sinh cá nhân
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với nước lũ.
Sử dụng các sản phẩm vệ sinh cá nhân như nước rửa tay khô khi không có nước sạch.
Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân tay sạch và lau khô các kẽ ngón chân, ngón tay sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Loại bỏ loăng quăng, bọ gậy và muỗi bằng cách đậy nắp bể và thùng chứa, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ phế thải như chai, lọ, thau…, hoặc vũng nước tự nhiên để tránh muỗi đẻ trứng.
- Giữ vệ sinh môi trường sống
Đảm bảo xử lý xác chết động vật, chất thải và rác thải đúng cách để tránh ô nhiễm môi trường.
Không để nước bẩn tiếp xúc với đồ dùng ăn uống, bát đĩa và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Tiêm phòng đầy đủ
Đối với những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tiêm phòng bệnh thương hàn, viêm gan A hoặc các bệnh lây qua đường tiêu hóa là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Bệnh tiêu hóa có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được phòng ngừa kịp thời. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có những kiến thức cần thiết về các loại bệnh tiêu hóa có thể mắc phải trong mùa mưa lũ.
Viết bình luận
Bình luận