BÍ QUYẾT GIÚP LÁ GAN KHỎE MẠNH

BÍ QUYẾT GIÚP LÁ GAN KHỎE MẠNH

Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, đóng vai trò chủ chốt trong việc loại bỏ các chất độc hại, chuyển hóa dưỡng chất và duy trì sức khỏe tổng thể. Vì vậy, việc bảo vệ và tăng cường chức năng gan là rất cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh. Bài viết này, Y Phúc sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về cách chăm sóc và tăng cường chức năng gan, giúp lá gan của bạn hoạt động hiệu quả hơn.

 

Tại sao cần tăng cường chức năng gan?

Gan là một trong những cơ quan lớn nhất và phức tạp nhất trong cơ thể con người, đảm nhận nhiều vai trò quan trọng giúp duy trì sự sống. Trong đó, gan được biết đến với chức năng chính là chuyển hóa chất dinh dưỡng, khử độc, bài tiết và dự trữ vitamin, khoáng chất.

Gan còn là bộ phận có khả năng tự phục hồi và tái tạo những tế bào tổn thương. Tuy nhiên, nếu gan thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố có hại sẽ gây ra tình trạng “quá tải” cho gan. Theo thời gian, lá gan bị tổn thương và có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan. Vì vậy, tăng cường chức năng gan là việc làm cần thiết để bảo vệ và phòng ngừa các bệnh lý về gan.

Chưa kể, tăng cường chức năng gan còn giúp:

- Hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Duy trì nồng độ đường huyết ổn định.

- Cải thiện các triệu chứng bệnh gan.

- Tăng cường hệ miễn dịch.

- Duy trì cân nặng hợp lý.

- Tâm trạng tích cực, tư duy tốt hơn.

 

Cách tăng cường chức năng gan hiệu quả

1. Chế độ ăn giàu chất xơ

Chế độ ăn uống hàng ngày giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của gan.

Bạn nên chọn ăn thực phẩm đa dạng chất dinh dưỡng như: ngũ cốc nguyên cám, trái cây, rau xanh, protein từ thịt nạc, sữa và chất béo lành mạnh.

Các loại thực phẩm như bưởi, táo, việt quất, quả hạch và cá béo được khuyến khích ăn vì có lợi cho gan. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ như: trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt giúp gan hoạt động trơn tru.

Hạn chế thức ăn béo, nhiều đường, mặn, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ chiên rán vì theo thời gian sẽ ảnh hưởng tới chức năng gan.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, B, C, E… thúc đẩy khả năng gan chuyển hóa chất béo tốt hơn và cải thiện chức năng gan.

2. Rửa tay và đảm bảo vệ sinh khi chế biến thức ăn

Thường xuyên rửa tay là cách đơn giản, dễ dàng giúp ngăn chặn virus có thể lây nhiễm bệnh sang gan của bạn. Nên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta nên rửa tay ngay trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.

Viêm gan virus A và E là hai loại virus viêm gan lây theo đường tiêu hóa. Virus viêm gan E thường có thể lây qua thức ăn không nấu chín trong quá trình chế biến như các món shasimi cá hoặc các loại thực phẩm sống, vì thế, đối với thực phẩm không nấu chín cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến an toàn.

3. Uống nhiều nước

Nước giúp gan loại bỏ các chất độc hại hiệu quả hơn. Hãy uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể qua gan.

4. Hạn chế tiêu thụ rượu, bia

Rượu, bia là nguyên nhân chính gây ra tổn thương gan. Rượu bia khi vào cơ thể chỉ có khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường nước tiểu, mồ hôi, khí thở và 90% còn lại lại sẽ tiến thẳng đến gan. Tại đây, cồn sẽ được tế bào gan xử lý và tiến hành khử độc trước khi đào thải ra ngoài. Theo thời gian, uống quá nhiều rượu bia có thể gây hại, làm tổn thương gan và gây ra các bệnh lý.

Hạn chế tiêu thụ rượu, bia hoặc tránh hoàn toàn để giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến gan như xơ gan, viêm gan. Theo TS Khanh, đây là cách duy nhất giúp ngăn chặn tình trạng tổn thương gan trở nên tồi tệ hơn và có khả năng phát triển thành ung thư gan.

5. Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục thường xuyên là chìa khóa cho một lá gan khỏe mạnh. Tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng cho gan, tăng mức năng lượng và giúp duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý – một yếu tố nguy cơ gây bệnh gan.

Để cải thiện sức khỏe lá gan, mỗi ngày bạn nên dành ít nhất 30 phút với các bài tập thể dục đơn giản như: đi bộ, chạy bộ, aerobic, bơi lội, đánh cầu lông…

Trường hợp có bệnh lý tim mạch, hô hấp, cần tập luyện theo chế độ chuyên khoa hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Tránh tập luyện quá sức làm nặng thêm tình trạng bệnh.

6. Giữ cân nặng hợp lý

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh gan Mỹ (AASLD), giảm cân nhằm duy trì cân nặng ở mức hợp lý là một phần quan trọng giúp cải thiện chức năng gan. Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và người béo phì, giảm từ 3-5% trọng lượng cơ thể, có thể giảm sự tích tụ chất béo trong gan. Nếu giảm từ 7-10% trọng lượng cơ thể, có thể cải thiện các triệu chứng khác của bệnh gan không do rượu như viêm, xơ hóa…

Nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 -22,9 Kg/m2, duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.

7. Sử dụng trà thảo dược

Trà được coi là nước uống có lợi cho sức khỏe lá gan. Đó là lý do nhiều người lựa chọn trà tăng cường chức năng gan, giải độc gan. Một số loại trà được nhiều người sử dụng như:

- Trà bí đao thanh mát, có thể đào thải độc tố và các chất cặn bã ra khỏi gan, thận.

- Trà cà gai leo có tác dụng hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ, viêm gan virus, xơ gan, giải độc gan, cải thiện chức năng gan…

- Trà xanh là một trong những loại trà mát gan được sử dụng rộng rãi. Nghiên cứu cũng chỉ ra trà xanh có tác dụng chống oxy hóa, giảm hàm lượng chất béo và cải thiện gan nhiễm mỡ, viêm gan.

- Trà hoa cúc có công dụng hỗ trợ hoạt động của gan, làm mát gan. Không những vậy đây còn là loại nước an thần, giảm đầy bụng, khó tiêu.

- Trà Atiso, trong Atiso có khả năng tăng cường sản xuất mật và hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo, từ đó giảm gánh nặng cho gan.

8. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, bao gồm xét nghiệm chức năng gan, giúp phát hiện các chỉ số khác nhau liên quan đến chức năng gan và chuyển hóa thông qua các phương pháp xét nghiệm sinh hóa, từ đó phản ánh tình trạng cơ bản của chức năng gan.

Trong trường hợp bạn thường xuyên uống nhiều rượu, hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh về gan, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác bệnh.

9. Tiêm phòng các bệnh lý ở gan

Tiêm phòng viêm gan A và B là một trong các biện pháp tăng cường chức năng gan.

Viêm gan A lây nhiễm từ thực phẩm và nước bị ô nhiễm – tránh hải sản hoặc động vật có vỏ sống hoặc bị ô nhiễm. Viêm gan B có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục, máu và kim tiêm bị nhiễm virus. Nếu bạn không tiêm chủng ngừa viêm gan B, hãy thực hiện tình dục an toàn hơn.

 

Trên đây là các cách giúp tăng cường chức năng gan đơn giản nhưng hữu hiệu. Hi vọng, những điều này sẽ giúp bạn có lá gan khỏe mạnh, phòng ngừa các vấn đề về gan.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận