CÁC BỆNH TRẺ HAY GẶP VÀO MÙA MƯA

CÁC BỆNH TRẺ HAY GẶP VÀO MÙA MƯA

Mùa mưa thường là mùa yêu thích của trẻ nhỏ nhưng đối với người lớn, mùa mưa luôn là nỗi e ngại do mang những mầm bệnh xuất hiện. Với hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện ở trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong mùa mưa và có nguy cơ mắc phải nhiều loại bệnh.

Dưới đây là những bệnh phổ biến mà trẻ thường hay gặp vào mùa mưa và cách phòng tránh.

 

1. Bệnh Sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes Aegypti và Aedes Albopictus.

- Dấu hiệu nhận biết: 

Triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết gồm sốt cao kéo dài, có thể cao tới 40 độ C, đau đầu dữ dội, nổi mẩn, phát ban.

Khi bệnh tiến triển nặng, trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, nôn hoặc ói ra máu… nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

- Cách phòng ngừa: 

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.

Do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và bọ quậy; loại bỏ các nguồn nước đọng quanh nhà.

Phòng chống muỗi đốt trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo dài tay, nằm ngủ mùng kể cả ban ngày, bôi kem xua muỗi cũng như các biện pháp khác được chỉ đạo bởi chính quyền địa phương.

 

2. Bệnh Sốt rét

Đây là bệnh nguy hiểm nhất vào mùa mưa. Bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Ký sinh trùng này lây truyền từ người này sang người khác qua muỗi Anophen.

- Dấu hiệu nhận biết:

Các triệu chứng khi bệnh như sốt cao liên tục trong vài ngày, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, rét run toàn thân, nổi da gà…

- Cách phòng ngừa:

Vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà ở, diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng, nhất là ở những vũng nước đọng.

Đồng thời, đóng kín cửa vào buổi chiều và tối để tránh muỗi bay vào. Cho trẻ mang quần áo dài tay, nằm ngủ mùng kể cả ban ngày, bôi kem xua muỗi.

 

3. Bệnh Sốt siêu vi

- Dấu hiệu nhận biết:

Một số triệu chứng phổ biến như hắt hơi nhiều lần, sốt cao, suy nhược cơ thể, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi…

- Cách phòng ngừa:

Bệnh sốt siêu vi chưa có thuốc điều trị.

Khi trẻ bệnh, cha mẹ cần lau mát, hạ nhiệt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Cần uống bù nước, ăn món ấm nóng, nhiều nước như súp, cháo…

Khi các triệu chứng trở nên nặng hơn như sốt kéo dài hơn 3 ngày, khó thở… hoặc triệu chứng không cải thiện sau vài ngày tự chăm sóc tại nhà bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

 

4. Cảm lạnh và cúm

- Dấu hiệu nhận biết:

Cảm lạnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, chủ yếu ảnh hưởng đến mũi, họng, các xoang. Khi bị cảm lạnh, người bệnh thường sẽ bị ngạt mũi/sổ mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể nhức mỏi…

Đối với cảm cúm, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh có các triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm họng, người ớn lạnh, ho khan, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, cơ thể suy nhược. 

- Cách phòng ngừa:

Để phòng bệnh, cha mẹ hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng áo mưa khi ra đường, không nên để trẻ dầm mưa và không để cơ thể trẻ bị ướt quá lâu trong nước mưa.

Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều các loại rau củ và trái cây giàu vitamin C, uống đủ nước… Bên cạnh đó, tiêm vắc xin cúm cho trẻ mỗi năm để phòng ngừa bệnh cảm cúm hiệu quả nhất.

 

5. Bệnh Tiêu hóa

Bệnh tiêu hóa thường gặp: Tiêu chảy, kiết lỵ, sốt thương hàn.

Tiêu chảy là đi tiêu trên 4 lần trong ngày, phân ra nước. Nguy hiểm của bệnh tiêu chảy là gây ra cho trẻ tình trạng mất nước và mất một số chất điện giải – những chất này rất cần cho cơ thể đào thải ra theo nước.

Kiết lỵ là đi tiêu nhiều lần trong ngày nhưng phân ít, kèm theo đàm, máu. Người bệnh thường bị đau bụng, mót rặn luôn luôn, vật vã, suy kiệt nhanh.

Sốt thương hàn cũng là một bệnh rất nguy hiểm, bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh gây nhức đầu, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, sốt liên miên, kéo dài nhiều ngày, dần dần làm cho trẻ trở nên lừ đừ, vật vã và tiến tới hôn mê hoàn toàn… Một số trẻ đến chữa trị quá trễ cũng đã không thể cứu được.

- Cách phòng ngừa:

Giáo dục trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 

Khuyên trẻ không ăn uống bừa bãi ở dọc đường, ở các vỉa hè.

Cho trẻ ăn các thức ăn đã đun chín, đầy đủ dinh dưỡng. Các thực phẩm cần được bảo quản chu đáo, tránh ôi thiu, tuyệt đối không để ruồi nhặng đậu vào.

Các bệnh này đều nguy hiểm, nên cần cho trẻ đi khám bệnh ngay nếu bệnh đã xảy ra.

 

6. Bệnh Chân tay miệng

Bệnh chân tay miệng là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch.

Bệnh do 2 virut gây nên là Enterovirus 71 và Coxsackievirus.

- Dấu hiệu nhận biết: 

Trẻ em mắc bệnh có thể có những nốt phỏng nước trên da, loét niêm mạc miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng như khó thở, nôn trớ, co giật và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi… trường hợp xấu có thể gây tử vong.

- Cách phòng ngừa: 

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa gồm hạn chế tiếp xúc với người bệnh, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên. Ăn chín, uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh. Khi trẻ phát bệnh, cha mẹ cần theo dõi các triệu chứng bệnh để phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời khi có biến chứng bất thường. 

 

7. Bệnh Viêm da dị ứng

Viêm da dị ứng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ miễn dịch non yếu, làn da trẻ mỏng manh dễ bị tác động. 

- Dấu hiệu nhận biết: 

Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, có thể chảy dịch, phù nề,… Một số trẻ có thể ho, sốt, chán ăn và sụt cân.

- Cách phòng ngừa:

Phòng ngừa viêm da dị ứng ở trẻ bằng cách vệ sinh nhà cửa, chăn gối, đồ chơi của trẻ sạch sẽ, tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng; dưỡng ẩm cho trẻ, che chắn cẩn thận cho trẻ khi ra ngoài; bổ sung dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng cho trẻ…

 

Mùa mưa là thời điểm dễ phát sinh nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Việc nắm rõ các triệu chứng và cách phòng tránh các bệnh này sẽ giúp cha mẹ bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách hiệu quả.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận