CẢM LẠNH Ở TRẺ EM: TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH
- Người viết: Admin lúc
- Sức khỏe mỗi ngày
- - 0 Bình luận
Cảm lạnh là một trong những bệnh lý phổ biến nhất mà trẻ em dễ mắc phải, đặc biệt là trong thời tiết chuyển mùa hoặc khi môi trường xung quanh có sự thay đổi về khí hậu. Mặc dù cảm lạnh thường không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của trẻ. Hãy cùng Y Phúc tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ
Cảm lạnh ở trẻ em chủ yếu do virus gây ra và loại virus phổ biến nhất là Rhinovirus hoặc Enterovirus. Trẻ em thường dễ bị cảm lạnh khi bị nhiễm nước mưa, thời tiết trở lạnh hoặc chuyển mùa… hệ miễn dịch ở trẻ còn yếu, chưa có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh như ở người lớn.
Virus cảm lạnh lây lan chủ yếu qua:
- Tiếp xúc trực tiếp: Trẻ có thể bị nhiễm virus khi tiếp xúc với người bị cảm lạnh hoặc chạm vào bề mặt chứa virus (như đồ chơi, tay nắm cửa) và sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Qua đường hô hấp: Khi người bị cảm lạnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, virus lây lan qua các giọt bắn trong không khí và trẻ dễ dàng hít phải.
- Môi trường đông đúc: Trẻ em thường dễ nhiễm bệnh khi ở trong nhà trẻ, trường học hoặc các khu vui chơi, nơi có nhiều người và tiếp xúc gần gũi.
Triệu chứng cảm lạnh ở trẻ
Cảm lạnh ở trẻ em có thể xuất hiện sau 1-3 ngày kể từ khi trẻ tiếp xúc với virus. Triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Chảy nước mũi: Dịch mũi ban đầu trong, loãng, sau đó có thể chuyển sang màu vàng hoặc xanh trong vài ngày. Do tăng số lượng và hoạt tính enzyme của tế bào đa nhân, màu sắc của nước mũi không hoàn toàn liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn như nhiều người vẫn lầm tưởng.
- Hắt hơi liên tục: Trẻ thường hắt hơi nhiều lần khi bệnh, do mũi bị kích thích bởi virus.
- Sốt nhẹ: Trẻ có thể bị sốt nhẹ, thường dưới 38.5°C.
- Ho: Ho thường bắt đầu sau 1-2 ngày, có thể kèm theo cảm giác đau họng.
- Mệt mỏi, chán ăn: Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn do cơ thể không thoải mái.
- Khó ngủ: Triệu chứng nghẹt mũi và ho có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ.
Ngoài ra, các triệu chứng trên thường không xuất hiện cùng nhau, mà xuất hiện theo từng giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn đầu: Thông thường cảm lạnh từ ngày thứ 1 – 3, trẻ bị cảm lạnh sẽ có biểu hiện hơi ngứa ở cổ, một vài cái hắt hơi hoặc cơn nhức đầu nhẹ có thể xuất hiện trong vài ngày đầu tiên. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng thoáng qua và không nhận biết được. Có thể là sáng hôm sau khi thức dậy, cổ họng bắt đầu ngứa ran và bắt đầu cảm thấy uể oải. Đây cũng là thời điểm bệnh có thể phát tán và lây lan virus sang những người xung quanh.
- Ở giai đoạn 2: Cảm lạnh từ ngày thứ 4 – 7, trẻ bị cảm lạnh sẽ cảm thấy mệt mỏi nhất, bởi đây là lúc số lượng và mức độ hoạt động của virus cao nhất và hệ miễn dịch phản kháng mạnh mẽ nhất. Các triệu chứng hắt hơi, chảy mũi, ho trở nên trầm trọng hơn, kèm theo có thể bị sốt.
- Ở giai đoạn 3: Cảm lạnh từ ngày thứ 8 – 10, trẻ bị cảm lạnh sẽ thấy đỡ mệt hơn, bởi đây là giai đoạn phục hồi. Trẻ sẽ cảm thấy khỏe hơn và bắt đầu muốn ăn nhiều thứ hơn. Triệu chứng còn sót lại cuối cùng sau 10 ngày thường là ho khan.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ và các triệu chứng tiếp tục nặng lên. Khi đó, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Cách chăm sóc khi trẻ bị cảm lạnh
Khi trẻ bị cảm lạnh, việc chăm sóc đúng cách giúp giảm bớt các triệu chứng và giúp trẻ phục hồi nhanh chóng.
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ: Đảm bảo trẻ luôn được giữ ấm, đặc biệt là vào ban đêm. Đeo khẩu trang và áo ấm cho trẻ khi ra ngoài để tránh gió lạnh.
- Uống nhiều nước: Bổ sung nước, nước ép trái cây hoặc sữa ấm giúp làm dịu cổ họng và giảm các triệu chứng nghẹt mũi, ho, đồng thời giữ ấm cho cơ thể trẻ.
- Vệ sinh mũi: Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ, giúp thông thoáng đường thở và giảm triệu chứng nghẹt mũi.
- Vệ sinh miệng và họng: Súc miệng bằng nước muối sinh lý có tính sát khuẩn cao, giúp làm dịu họng và kháng viêm hiệu quả.
- Cho trẻ nghỉ ngơi: Đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thể tự phục hồi nhanh chóng hơn.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Nếu có người trong nhà bị cảm lạnh, hạn chế tiếp xúc gần gũi với trẻ để tránh lây nhiễm thêm.
- Sử dụng thuốc đúng cách: Nếu trẻ bị sốt cao hoặc khó chịu, có thể sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý sử dụng kháng sinh hoặc các loại thuốc khác mà không có chỉ định.
Biện pháp phòng ngừa cảm lạnh cho trẻ
Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có nhiều thay đổi đột ngột. Để giúp trẻ tránh xa cảm lạnh, việc phòng ngừa là rất quan trọng. Dưới đây là những cách đơn giản giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
- Tăng cường sức đề kháng: Đảm bảo trẻ có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin C và các khoáng chất cần thiết để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi chơi. Đảm bảo trẻ không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Duy trì môi trường sạch sẽ: Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và các vật dụng mà trẻ thường xuyên tiếp xúc để tránh vi khuẩn, virus tích tụ.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh: Trong thời gian bị bệnh hoặc khi thời tiết lạnh, hạn chế cho trẻ ra ngoài và tiếp xúc với những người đang có triệu chứng cảm lạnh.
- Giữ ấm cơ thể: Khi thời tiết lạnh, cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ, tay và chân.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Mặc dù cảm lạnh thông thường có thể tự khỏi sau 7-10 ngày, nhưng bố mẹ cần lưu ý đưa trẻ đến bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục trên 38°C trong 2-3 ngày.
- Trẻ có triệu chứng khó thở, thở nhanh hoặc thở khò khè.
- Trẻ có dấu hiệu mất nước như khô môi, không đi tiểu trong nhiều giờ.
- Triệu chứng cảm lạnh không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, nhưng bố mẹ không nên chủ quan. Việc chăm sóc đúng cách và phòng ngừa kịp thời sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh nặng hơn. Đồng thời, việc tạo thói quen vệ sinh tốt và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ vượt qua sự tay đổi thời tiết một cách an toàn và khỏe mạnh.
Viết bình luận
Bình luận