Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo quá nhiều trong mô gan và có thể gây viêm hoặc không gây viêm. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể chữa khỏi mà không ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan hoặc hạn chế biến chứng. Hãy cùng Y Phúc tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vị trí của gan trong cơ thể
Gan có chiều rộng khoảng 15cm, nằm bên phải cơ thể, trên túi mật và dưới xương sườn. Trọng lượng gan ở người trưởng thành nặng trung bình 1,5kg. Đây là cơ quan nội tạng nặng nhất trong cơ thể con người.
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ quá nhiều chất béo trong gan (> 5% trọng lượng gan). Khi gan nhiễm mỡ đơn thuần mà không có viêm thì không tiến triển thành viêm gan mạn và xơ gan. Gan nhiễm mỡ mà gây viêm tại gan được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ thường được chia thành hai loại chính:
- Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): Tức là có mỡ trong gan nhưng có thể không bị viêm hoặc không tổn thương tế bào gan. Tình trạng này thường không nguy hiểm hoặc gây ra các vấn đề với gan. Hầu hết những người bị NAFLD có gan nhiễm mỡ đơn giản.
- Gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD): Tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều so với gan nhiễm mỡ đơn giản. NASH có nghĩa là bị viêm gan. Tình trạng viêm và tổn thương tế bào gan xảy ra với NASH có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như xơ hóa và xơ gan, sẹo gan và ung thư gan. Khoảng 20% những người bị NAFLD có NASH.
Làm sao để biết mình bị gan nhiễm mỡ?
Bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, nếu có thì biểu hiện gan nhiễm mỡ rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Do đó, để biết gan nhiễm mỡ cần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ cho thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ
Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, bao gồm:
- Uống rượu, bia làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ trong gan. Chính chất cồn trong bia rượu cản trở gan phân giải lipoprotein trong máu, dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gan nhiễm mỡ.
- Thừa cân, béo phì.
- Giảm cân quá nhanh.
- Bệnh lý đi kèm: Một số bệnh như tiểu đường, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa, hội chứng buồng trứng đa nang…, viêm gan siêu vi mãn tính, đặc biệt là viêm gan C đều có thể gây gan nhiễm mỡ.
- Tác dụng phụ của thuốc.
- Suy dinh dưỡng khiến cơ thể không đủ chất nên gan gặp trở ngại trong quá trình tổng hợp một số loại protein, làm tăng nguy cơ tích tụ triglyceride trong gan và hậu quả là mỡ thừa ứ đọng.
- Có các gen khiến người bệnh dễ mắc bệnh gan bị nhiễm mỡ.
- Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh.
Dấu hiệu bị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, bạn có thể gặp một số dấu hiệu sau:
- Mệt mỏi kéo dài: Cảm giác uể oải, mệt mỏi do gan không thể hoạt động hiệu quả để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng, ngán khi thấy đồ ăn có dầu mỡ.
- Giảm cân không rõ lý do: Gan không chuyển hóa được chất dinh dưỡng, dẫn đến giảm cân bất thường.
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu vàng đậm: Tình trạng rối loạn chuyển hóa bilirubin do gan bị tổn thương.
- Đau tức vùng gan: Một số người có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở phía bên phải của bụng, ngay dưới xương sườn.
- Người bệnh có thêm một số triệu chứng nếu bệnh tiến triển thành xơ gan, như phù nề chân, cổ trướng bụng, giãn tĩnh mạch dưới da, lá lách to, đỏ lòng bàn tay, ngứa da, xuất huyết tiêu hóa.
Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị và quản lý tốt có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:
1. Viêm gan
Biến chứng này xảy ra khi mỡ bao phủ các tế bào gan ngày càng nhiều, làm suy giảm chức năng gan. Bệnh gan sẽ tiến triển nhanh khi vừa có virus viêm gan B hoặc C, đồng thời uống nhiều bia rượu.
Dấu hiệu đặc trưng khi bệnh phát triển đến giai đoạn này là chán ăn và mệt mỏi nhưng không phải lúc nào cũng có triệu chứng rõ ràng.
2. Xơ gan
Đây là biến chứng chính của bệnh gan nhiễm mỡ. Khi gan cố gắng ngăn chặn những tổn thương đang xảy ra, chẳng hạn như viêm, sẽ tạo ra các vùng sẹo (xơ hóa). Tình trạng viêm gan không ngừng lại thì quá trình xơ hóa sẽ tiếp tục lan rộng.
3. Ung thư gan
Bệnh gan nhiễm mỡ âm thầm tiến triển và nặng lên có thể dẫn tới biến chứng xơ gan và nguy hiểm nhất là biến chứng ung thư gan. Đây là hậu quả của tình trạng viêm gan do gan nhiễm mỡ trong thời gian dài.
Gan nhiễm mỡ có lây không?
Bệnh gan nhiễm mỡ không phải do virus, vi khuẩn gây ra, nên đây không phải bệnh lây nhiễm. Người thân trong gia đình hoàn toàn có thể yên tâm chăm sóc người bệnh mà không sợ nguy cơ lây truyền.
Khác với bệnh gan khác như: viêm gan B, C lây qua đường tình dục, lây qua đường từ mẹ sang con hoặc truyền máu, viêm gan A lây qua đường ăn uống... Gan nhiễm mỡ không phải là bệnh lây truyền mà chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như uống nhiều bia rượu, ăn nhiều thực phẩm chế biến, lười vận động… gây ra.
Làm gì để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ?
- Cần có chế độ ăn lành mạnh khoa học, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả.
- Hạn chế mỡ động vật, nội tạng, thịt đỏ thay bằng dầu thực vật, các loại cá nhất là cá hồi.
- Hạn chế chất béo như hạn chế đồ ăn chiên rán, giảm ăn tinh bột và đường.
- Tăng cường luyện tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu luyện tập được hàng ngày thì tốt không thì 5 ngày mỗi tuần.
- Cần giảm cân từ từ nếu thừa cân.
- Tuyệt đối nói không với rượu bia.
- Nên tiêm phòng viêm gan: Tiêm phòng vaccine, đặc biệt là vaccine viêm gan A và viêm gan B. Viêm gan C chưa có vaccine vì vậy nên có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ.
- Cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng thuốc, nên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
- Quan trọng nhất là nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần. Trong các bài kiểm tra sức khỏe định kỳ luôn bao gồm các xét nghiệm cận lâm sàng để kiểm tra chức năng gan. Phát hiện sớm gan nhiễm mỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng cho gan.
Gan nhiễm mỡ là một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.
Viết bình luận
Bình luận