NHỮNG THỰC PHẨM CHỨA XYANUA MÀ BẠN NÊN CHÚ Ý

NHỮNG THỰC PHẨM CHỨA XYANUA MÀ BẠN NÊN CHÚ Ý

Xyanua là một hợp chất hóa học độc hại, nổi tiếng với khả năng gây chết người nếu tiếp xúc ở mức độ cao. Mặc dù Xyanua thường liên quan đến các chất độc công nghiệp và vụ án hình sự, nó cũng tồn tại tự nhiên trong một số loại thực phẩm. Tuy nhiên, hàm lượng Xyanua trong thực phẩm tự nhiên thường không đủ cao để gây hại nếu tiêu thụ với lượng nhỏ và hợp lý. Dù vậy, việc biết về sự hiện diện của Xyanua trong các thực phẩm này là rất quan trọng để tránh nguy cơ ngộ độc tiềm ẩn.

 

Xyanua là gì?

Xyanua (Cyanide) là một chất độc cực mạnh gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng nếu tiếp xúc vô tình hoặc cố ý. Nó tác động đến hô hấp và gây ra tổn thương cho hệ thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, Xyanua là một chất hóa học có tác dụng nhanh, có khả năng gây chết người, cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể.

Xyanua có thể là chất khí hoặc chất lỏng không màu như hydro xyanua (HCN) hoặc xyanogen clorua (CNCl). Nó cũng có thể ở dạng tinh thể (rắn), còn gọi là muối xyanua (Cyanide Salts) bao gồm các hợp chất như natri xyanua (NaCN) hoặc kali xyanua (KCN).

Xyanua thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừ sâu… Nó cũng được tìm thấy trong khói thuốc lá, khí thải xe cộ.

Đặc biệt, trong tự nhiên nó cũng được tìm thấy ở hơn 2.000 loài thực vật. Trong số này có các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng, sắn, hạt của các loại quả hạch như táo, mơ, đào, lê, mận, anh đào… Ở những cây này, xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen. 

Bản thân các glycoside cyanogen tương đối không độc hại, tuy nhiên, chúng được chuyển hóa thành hydro xyanua độc hại trong đường ruột. Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn và chỉ nhai một vài hạt của những loại cây này có thể gây ngộ độc Xyanua. Nếu nấu kỹ thực vật chứa Xyanua trong nước sôi có thể làm giảm mức độ độc tính của chúng một cách hiệu quả.

 

Chất độc Xyanua phát tán thế nào?

Theo PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Xyanua là chất cực độc, chỉ cần trúng độc 50mg chất Xyanua cũng có thể làm chết một người.

Xyanua khi tiếp xúc sẽ hấp thu nhanh vào cơ thể và ức chế nhanh hệ hô hấp, hệ thần kinh, do đó nó có thể gây nguy hiểm tính mạng ngay cả khi chỉ tiêu thụ một liều lượng rất nhỏ.

Mức độ nguy hiểm do ngộ độc Xyanua sẽ phụ thuộc vào lượng Xyanua mà cơ thể tiếp xúc, cũng như lộ trình và thời gian tiếp xúc. Việc hít phải khí Xyanua sẽ nguy hiểm nhất, đồng thời nuốt và uống phải Xyanua cũng sẽ gây ngộ độc.

Khi Xyanua đi vào cơ thể con người, chất độc này sẽ ngăn các tế bào trong cơ thể sử dụng oxy, từ đó các tế bào sẽ chết dần và có hại cho tim, não hơn hết.

 

Dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Xyanua

Các triệu chứng thường gặp khi trúng phải Xyanua:

- Triệu chứng ban đầu: Khó thở, tức ngực, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, loạn nhịp tim.

- Triệu chứng tiến triển: Loạn thị giác, co giật, lú lẫn, mất ý thức, da và môi xanh tím, huyết áp giảm.

- Triệu chứng nguy kịch: Hôn mê, ngưng tim và ngừng hô hấp.

Ngay khi phát hiện người bị ngộ độc Xyanua, chúng ta cần ngay lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để có biện pháp cấp cứu kịp thời. Bởi nếu không được sơ cứu, chữa trị kịp thời trong vòng 2 giờ sẽ có nguy cơ tử vong cao. Đồng thời, bạn nên cần cẩn thận sơ chế kỹ trước khi tiêu thụ những thực phẩm tự nhiên được chuyên gia cảnh báo là có chứa Xyanua.

 

Các thực phẩm tự nhiên chứa Xyanua

1. Hạt hạnh nhân đắng

Hạnh nhân là một loại hạt khô ngon và có nhiều công dụng như hỗ trợ tim mạch, chống lão hóa, chống ung thư và thúc đẩy sự phát triển trí thông minh cho thai nhi.

Hạnh nhân bao gồm 2 loại hạt: hạnh nhân ngọt và hạnh nhân đắng. Hạt hạnh nhân ngọt rất bổ dưỡng còn hạt hạnh nhân đắng không nên tiêu thụ trực tiếp vì nguy cơ ngộ độc cao.

Hạnh nhân đắng chứa một lượng lớn amygdalin, một hợp chất có thể chuyển hóa thành Xyanua trong cơ thể. Theo các chuyên gia sức khỏe, thậm chí chỉ ăn 7-10 hạt hạnh nhân đắng có thể gây ra vấn đề sức khỏe cho người lớn và có thể gây tử vong ở trẻ em.

2. Hạt táo và hạt lê

Hạt của các loại quả thuộc họ hoa hồng như táo và lê chứa amygdalin, khiến giải phóng ra chất độc Xyanua sau khi tiếp xúc với dạ dày.

Mặc dù vỏ và thịt quả không độc, nhưng việc ăn một lượng lớn hạt (khoảng 20 - 25 hạt) có thể gây ra triệu chứng ngộ độc Xyanua như buồn nôn, đau đầu và khó thở.

Tuy nhiên, ăn vài hạt vô tình thường không gây hại nghiêm trọng do hàm lượng Xyanua thấp và khả năng giải độc của cơ thể.

3. Hạt mơ, hạt đào và hạt mận

Các loại hạt bên trong của mơ, đào và mận cũng chứa amygdalin.

Trong một số nền văn hóa, hạt mơ được sử dụng như một loại dược liệu truyền thống, nhưng việc tiêu thụ một lượng lớn có thể gây ngộ độc. Nếu sử dụng, nên chế biến cẩn thận để giảm nguy cơ ngộ độc.

4. Sắn (Khoai mì)

Sắn là một nguồn lương thực chính ở nhiều quốc gia nhiệt đới, cung cấp chế độ ăn kiêng cơ bản cho hơn nửa tỷ người, nhưng nó cũng chứa hợp chất có thể chuyển hóa thành Xyanua.

Đặc biệt, các loại sắn đắng có hàm lượng Xyanua cao hơn sắn ngọt. Chất độc có nhiều nhất ở vỏ sắn, hai đầu củ sắn và lõi sắn. Việc chuẩn bị sắn không đúng cách có thể để dư thừa lượng Xyanua, gây nhiễm độc Xyanua (một chất hóa học cực độc) cấp tính, tê liệt cục bộ hoặc thậm chí tử vong.

5. Măng

Măng là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực châu Á. Tuy nhiên, măng tươi chứa lượng nhỏ glycoside cyanogenic, cùng một chất độc chứa trong sắn, có thể chuyển hóa thành Xyanua.

Những chất độc này có thể được tiêu hủy bằng cách nấu chín kỹ, bởi vậy bạn nên luộc măng trước khi chế biến theo những cách khác.

6. Lá và hạt anh đào (Cherry) 

Lá và hạt của cây anh đào chứa amygdalin, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ăn hạt và lá của các loại trái cây thuộc họ hoa hồng.

Mặc dù việc ăn vài hạt anh đào không đủ gây ngộ độc nghiêm trọng, việc ăn một lượng lớn có thể gây hại. Nếu ăn phải, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các triệu chứng ngộ độc, bao gồm:

- Ngộ độc nhẹ: Đau đầu, nóng lưỡi, đau bụng, chóng mặt, kích thích và thở nhanh sâu.

- Ngộ độc trung bình: Hôn mê, rối loạn ý thức, tụt huyết áp, ngừng thở hoặc co giật.

- Ngộ độc nặng: Đau tức ngực, mạch chậm, rối loạn huyết động, ngừng tuần hoàn hoặc tử vong sau khi ăn.

7. Đậu lima

Đậu Lima chứa một lượng nhỏ hợp chất cyanogenic.

Khi được chế biến đúng cách (ngâm và nấu chín), đậu Lima là một nguồn protein thực vật tuyệt vời và an toàn để tiêu thụ.

8. Khoai tây

Bạn đừng lo lắng vì khoai tây là một loại rau củ hoàn toàn an toàn. Thế nhưng nếu bạn để khoai tây trong môi trường ẩm ướt hoặc quá sáng sẽ khiến chúng bị mọc mầm. Những mầm khoai tây này chứa các hợp chất độc hại được gọi là glycoalkaloids. Ngay cả khi cắt bỏ những mầm này đi thì bạn cũng không nên sử dụng.

Ăn phải glycoalkaloids sẽ khiến bạn bị chuột rút, tiêu chảy, đau đầu, thậm chí hôn mê, tử vong. Các nhà khoa học khuyên không nên sử dụng những củ khoai tây có màu xanh lục và mọc mầm.

 

Xyanua gây độc cho người và động vật do khả năng ức chế hô hấp tế bào. Độc tính cấp tính ở người được đặc trưng bởi các triệu chứng như nôn mửa, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, co giật, suy hô hấp… và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Bạn cần nhớ không phải những gì có sẵn trong tự nhiên và ăn được thì không có độc. Để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, hãy cẩn thận khi tiêu thụ các loại thực phẩm này và luôn tuân thủ các quy trình chế biến an toàn và đúng cách.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận