SA SÚT TRÍ TUỆ Ở NGƯỜI TRẺ

SA SÚT TRÍ TUỆ Ở NGƯỜI TRẺ

Sa sút trí tuệ từ lâu đã được coi là một căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi, nhưng hiện nay, không ít người trẻ cũng đang đối mặt với nguy cơ này với tỷ lệ đáng báo động. Vậy nguyên nhân nào gây ra sa sút trí tuệ ở người trẻ, biểu hiện cũng như cách hạn chế tình trạng này là gì? Hãy cùng Y Phúc tìm hiểu trong bài viết sau đây.

 

Bạn hiểu gì về sa sút trí tuệ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sa sút trí tuệ là một hội chứng có tính chất mạn tính hoặc tiến triển tự nhiên. Trong đó có sự suy giảm chức năng nhận thức (khả năng tư duy) không được như kỳ vọng mà người bình thường ở cùng độ tuổi có thể làm được. Hội chứng này gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, năng lực học tập, ngôn ngữ, khả năng hiểu, tính toán và phán đoán nhưng ý thức không bị ảnh hưởng.

Mặc dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với căn bệnh sa sút trí tuệ, nhưng đó không phải là hậu quả tất yếu của chứng lão hóa. Với vòng quay của cuộc sống hiện đại, sa sút trí tuệ giờ đây không còn là căn bệnh của riêng người già mà hiện nay rất nhiều bạn trẻ cũng đang mắc phải. Hầu hết các bệnh nhân đều không phát hiện ra vì những dấu hiệu sớm của căn bệnh này thường là các vấn đề liên quan đến trí nhớ, các biểu hiện thường không rõ ràng.

 

Nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ ở người trẻ

Sa sút trí tuệ ở người trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

- Di truyền: Tiền sử gia đình mắc các bệnh sa sút trí tuệ như Alzheimer, Parkinson, Huntington.

- Lối sống thiếu lành mạnh: Thiếu ngủ, ăn uống không đủ chất, lạm dụng rượu bia, chất kích thích hoặc thói quen hút thuốc lá, ít vận động đều làm suy giảm sức khỏe não bộ.

- Stress, căng thẳng và áp lực cuộc sống: Áp lực học tập, công việc và cuộc sống có thể gây ra stress kéo dài, khiến các tế bào thần kinh bị thoái hóa, gây ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.

- Thiếu hoạt động trí não: Công việc đơn điệu và thiếu thử thách trí tuệ lâu dài khiến não bộ mất dần khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin nhanh chóng.

- Bệnh lý tiềm ẩn: Một số bệnh lý như trầm cảm, thiếu vitamin B12, rối loạn tuyến giáp… hoặc chấn thương đầu cũng có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở người trẻ.

- Phản ứng phụ: Khi sử dụng thuốc hoặc do nhiễm trùng đảo ngược khi điều trị bệnh.

 

Dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ

Những dấu hiệu ban đầu của sa sút trí tuệ thường không có dấu hiệu rõ ràng, dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các triệu chứng dưới đây xuất hiện thường xuyên, bạn nên thận trọng:

Mất trí nhớ ngắn hạn

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân vẫn nhớ lại được các thông tin/ sự việc trong quá khứ. Thế nhưng, người bệnh lại không nhớ được những gì họ vừa làm cách đây vài giờ, thậm chí là những câu họ vừa nói.

Nếu tình trạng sa sút trí tuệ nặng hơn sẽ khiến người bệnh quên hết các sự kiện gần đây, dẫn tới họ chỉ sống trong quá khứ. Hoặc trầm trọng hơn nữa, người bệnh có thể quên luôn các sự kiện xảy ra xa hơn.

Đây được gọi là một dạng mất trí nhớ ngắn hạn. Điều này có nghĩa là sức khỏe não bộ đã có vấn đề. Người bệnh cần chú ý theo dõi bởi đây là dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ.

- Tâm trạng thất thường

Các nguyên nhân khiến người trẻ thay đổi tâm trạng thất thường có thể là do áp lực công việc, áp lực cuộc sống… Tuy nhiên, cần xem xét kĩ xem tình trạng này có cực đoan hơn bình thường hay không. Nếu cảm xúc, tâm trạng thay đổi (cáu kỉnh, khó tính hơn hoặc nói những câu vô nghĩa, cười một cách vô duyên…) và có phát sinh các hành vi bạo lực thì đây cũng là dấu hiệu sớm của bệnh sa sút trí tuệ ở người trẻ.

Người bệnh không thể phân biệt được sự thay đổi trong tính cách khi mắc sa sút trí tuệ. Vì vậy, khi thấy người thân của mình đột nhiên trở nên hay cáu giận, dễ nổi nóng hơn bình thường thì hãy theo dõi và nhắc nhở để họ có thể đi khám sớm.

- Giảm năng suất công việc

Khi cảm thấy khó hoàn thành các công việc quen thuộc, thì đây cũng là một dấu hiệu tiêu biểu của chứng sa sút trí tuệ. Ngoài ra, người bệnh cũng cảm thấy khó khăn hơn khi chơi trò chơi, tham gia đố vui, suy luận, làm toán…

Những người trẻ mắc bệnh này cũng gặp khó khăn trong việc học những kiến thức mới hoặc thích nghi với các thói quen mới, tiếp xúc với những con người mới.

- Lẫn lộn không phân biệt được thời gian, chi tiết tiểu tiết

Ở giai đoạn mới khởi phát, sa sút trí tuệ ở người trẻ khiến người bệnh sai lệch tư duy: sai các kiến thức, sai phép tính đơn giản, sai công thức món ăn quen thuộc…, nhầm lẫn về thời gian. Sự nhầm lẫn có thể xảy ra do họ bối rối khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, không hiểu vấn đề hay thậm chí là khi ai đó cố gắng trò chuyện với họ. Thậm chí, người bệnh chỉ nhớ/ phân biệt được những vấn đề bề nổi và không thể đi sâu vào chi tiết.

- Thờ ơ với mọi thứ xung quanh

Người bệnh sẽ cảm thấy mất hứng thú, thờ ơ với các hoạt động thường ngày và không muốn làm gì. Các thói quen, sở thích hàng ngày người bệnh cũng không còn quan tâm đến.

Đây cũng có thể là một triệu chứng của sa sút trí tuệ giai đoạn đầu. Khi thấy dấu hiệu này, người bệnh phải được kiểm tra xem có phải họ đã mắc chứng sa sút trí tuệ hay không.

- Mất phương hướng

Trong những trường hợp nghiêm trọng, dù mới bị sa sút trí tuệ nhưng người bệnh đã có thể gặp phải tình trạng mất ý thức về phương hướng. Thậm chí, họ có thể quên đường về nhà hoặc đường đến nơi làm việc.

Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu này, bạn nhất định không được bỏ qua mà phải thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác. 

 

Phòng ngừa sa sút trí tuệ ở người trẻ

Nếu như mắc các dấu hiệu sa sút trí tuệ ở người trẻ như trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và phát hiện bệnh từ sớm. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp làm chậm tiến triển của bệnh, giúp tạo thuận lợi khi điều trị.

Với những tình trạng chưa mắc sa sút trí tuệ ở người trẻ, cần có những biện pháp phòng tránh bệnh. Hãy tham khảo các đề mục dưới đây:

- Các biện pháp cải thiện khả năng hoạt động của não

Đọc sách, chơi trò chơi trí tuệ, học những điều mới, tham gia các hoạt động kích thích tư duy như giải câu đố, vẽ tranh, chơi nhạc cụ… Duy trì các mối quan hệ xã hội, trò chuyện với bạn bè và gia đình thường xuyên.

- Duy trì lối sống lành mạnh

+ Chế độ ăn uống: Ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất, hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên rán, nhiều muối và đường. Tăng cường tiêu thụ trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, hạt chia.

+ Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Các bài tập thể dục như yoga, chạy bộ, đạp xe...

+ Ngủ đủ giấc: Ngủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm và giữ thói quen đi ngủ đúng giờ để não bộ có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.

+ Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ. Hãy tập yoga, thiền, viết nhật ký hoặc các bài tập thư giãn khác để giảm stress.

+ Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, có thể dẫn đến sa sút trí tuệ.

+ Bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.

- Khám sức khỏe định kỳ

Đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các bệnh tiềm ẩn có thể dẫn đến sa sút trí tuệ như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…

 

Có thể thấy, sa sút trí tuệ ở người trẻ là một căn bệnh gây rất nhiều ảnh hưởng cho những người mắc phải. Hãy đi thăm khám ngay nếu bạn hoặc người thân có vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng sa sút trí tuệ

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận