Suy dinh dưỡng ở trẻ là một vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và trí não của bé. Khi trẻ không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết, cơ thể sẽ không thể phát triển toàn diện, dẫn đến nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh và có thể gây ra các biến chứng lâu dài. Hãy cùng Y Phúc tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và những biện pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ trong bài viết này.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em là gì?
Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng cơ thể thiếu hụt, dư thừa hoặc mất cân bằng các dưỡng chất cơ bản (protein, glucid, lipid…), năng lượng và các vi, khoáng chất làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể trẻ. Hậu quả tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài có thể không thể khắc phục được. Ở mức tồi tệ nhất, suy dinh dưỡng có thể đe dọa tính mạng.
Khi trẻ không được ăn uống đầy đủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chống lại nhiễm trùng, các bệnh thông thường có thể trở nên nguy hiểm. Hầu hết trẻ suy dinh dưỡng sẽ bị suy giảm khả năng học tập trong suốt quãng đời còn lại. Nếu tình trạng thiếu dưỡng chất kéo dài, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng mãn tính và nguy cơ trẻ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sa sút trí tuệ, rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch.
Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
Trẻ suy dinh dưỡng đề cập đến 3 nhóm phổ biến:
- Suy dinh dưỡng gầy còm (cân nặng được tính theo chiều cao của trẻ thấp), thấp còi (chiều cao theo tuổi của trẻ thấp) và thiếu cân (cân nặng theo tuổi của trẻ thấp).
- Suy dinh dưỡng do thiếu hụt hoặc dư thừa vi chất và dinh dưỡng (thiếu hoặc dư vitamin và khoáng chất quan trọng).
- Suy dinh dưỡng thừa cân, béo phì và các bệnh lý không lây nhiễm, liên quan đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày (bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư…).
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, nhưng có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến sau:
1. Suy dinh dưỡng bào thai
Suy dinh dưỡng bào thai là một trong những nguyên nhân thường gặp ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ, trong đó có suy dinh dưỡng.
Tình trạng này xảy ra do người mẹ ăn uống không đầy đủ khi mang thai khiến trẻ thiếu dinh dưỡng cần thiết từ trong bào thai.
Suy dinh dưỡng bào thai cũng làm tăng nguy cơ sinh non hoặc mắc các bệnh lý khác khi chào đời.
2. Thiếu kiến thức về dinh dưỡng của cha mẹ
Rất nhiều cha mẹ chưa hiểu đúng về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Cụ thể: trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít bữa trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh.
Một số quan niệm ăn uống sai lệch hoặc áp dụng chế độ ăn uống không phù hợp theo các cách thức không khoa học có thể khiến trẻ thiếu dinh dưỡng, dẫn đến bị suy dinh dưỡng.
3. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ quá sớm hoặc quá muộn
Cha mẹ cho bé ăn bổ sung sớm hoặc quá muộn, thành phần thức ăn không đảm bảo chất lượng.
Cho bé ăn bổ sung sớm dẫn tới trẻ ít bú sữa mẹ làm tăng nguy cơ mắc bệnh do thiếu chất dinh dưỡng và các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ. Ngoài ra còn khiến trẻ dễ bị dị ứng vì chưa tiêu hóa được các protein có trong thức ăn.
Cho trẻ ăn bổ sung quá muộn khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng do từ 06 tháng tuổi sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
4. Cai sữa sớm
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo, cai sữa quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Tốt nhất là cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Các mẹ chú ý không được cai sữa cho bé khi chưa cho bé ăn bổ sung, khi trẻ bị ốm hay vào ngày hè nóng bức.
5. Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Trẻ có hệ vi sinh đường ruột tốt giúp đảm bảo khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân: sử dụng kháng sinh kéo dài, thức ăn nhiễm khuẩn, bệnh về đường tiêu hóa… bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu chất dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng.
6. Chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không đủ chất thể hiện ở việc trẻ không được cung cấp đủ lượng thực phẩm cần thiết hoặc ăn quá nhiều thực phẩm không phù hợp. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng:
- Trẻ không được cung cấp đủ nhóm dưỡng chất: Glucid, protid, lipid, chất xơ, vitamin và chất khoáng.
- Trẻ ăn chỉ được cha mẹ bổ sung thực phẩm theo sở thích, không chú ý đến việc cân bằng các nhóm chất.
7. Bệnh lý và điều kiện sức khỏe khác
Các bệnh lý mãn tính hoặc nhiễm trùng như tiêu chảy, sốt rét, giun sán… cũng ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và sử dụng dinh dưỡng của trẻ.
Khi trẻ bị bệnh thường biếng ăn. Các kháng sinh được dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng vừa có tác động diệt vi trùng gây bệnh, vừa diệt bớt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu.
8. Vấn đề sức khỏe bẩm sinh
Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng bào thai hoặc có dị tật bẩm sinh (sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh…) sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn so với những trẻ khác.
9. Yếu tố môi trường và tâm lý
Trẻ sống trong môi trường thiếu vệ sinh, dịch vụ chăm sóc y tế kém, tập quán lạc hậu trong nuôi dưỡng; thường xuyên bị bệnh hay bị áp lực tâm lý như chấn thương tinh thần, căng thẳng kéo dài… Dễ dẫn tới sợ hãi và ám ảnh về thức ăn dẫn tới chán ăn và bị suy dinh dưỡng.
Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng ở trẻ
Bệnh suy dinh dưỡng trẻ em được chia theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ, vừa đến nặng.
- Suy dinh dưỡng diễn ra rất sớm nhưng để lại hậu quả lâu dài: suy dinh dưỡng bào thai.
- Suy dinh dưỡng mức độ nhẹ đến vừa: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng gầy còm.
- Suy dinh dưỡng mức độ nặng: suy dinh dưỡng thể phù, suy dinh dưỡng thể teo đét, suy dinh dưỡng thể hỗn hợp.
Phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ
Để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho bé, cha mẹ cần có những biện pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng từ sớm.
- Cần chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ bằng một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời theo dõi cân nặng của mẹ theo từng tháng để thấy được sự phát triển của con, khám thai định kỳ.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng đa dạng và cân bằng
Cung cấp đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và các thực phẩm giàu chất đạm như trứng, cá, thịt.
Đối với trẻ nhỏ, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng trong những tháng đầu đời, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu và kéo dài từ 18 – 24 tháng.
- Khuyến khích thói quen ăn uống khoa học
Cho con ăn dặm đúng thời điểm, luyện tập cho con thói quen ăn uống đúng giờ, trong quá trình ăn tập trung vào bữa ăn, không nên có mặt những thiết bị điện tử để bé không bị ảnh hưởng trong quá trình ăn.
Tạo cho trẻ môi trường ăn uống thoải mái, không gây áp lực hoặc cưỡng ép trẻ ăn. Cha mẹ có thể chế biến món ăn hấp dẫn, đổi vị để kích thích sự thèm ăn của bé.
Tránh cho trẻ ăn đồ ngọt, đồ chiên xào quá nhiều, vì chúng không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết và có thể gây ra thói quen ăn uống kém lành mạnh.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Luôn rửa tay cho trẻ trước khi ăn và chọn thực phẩm sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn để bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ.
Đảm bảo nguồn nước uống và môi trường xung quanh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, giun sán.
- Tăng cường vận động và ngủ đủ giấc
Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời và tạo thói quen ngủ đủ giấc, giúp cải thiện khả năng miễn dịch và hấp thu dinh dưỡng của trẻ.
Khuyến khích bé tập thể dục thường xuyên. Nếu trẻ không thích tập thể dục, bố mẹ có thể tổ chức một số trò chơi vui nhộn.
- Theo dõi sức khỏe và thăm khám định kỳ
Đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi cân nặng và chiều cao hàng tháng để phát hiện sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng và can thiệp kịp thời.
Khi gặp các bệnh viêm nhiễm về đường hô hấp, tiêu hóa không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Khi gặp một số vấn đề về sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột mẹ nên bổ sung men tiêu hóa cho con giúp ổn định đường ruột phòng các bệnh về đường tiêu hóa.
Xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ từ 2 tuổi.
Cho trẻ tiêm/uống vacxin phòng bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp (bệnh hô hấp, lây nhiễm, tiêu hóa…).
Suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Hiểu về suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ giúp cha mẹ khắc phục và phòng ngừa hiệu quả hơn
Viết bình luận
Bình luận