TĂNG HUYẾT ÁP: NGUY CƠ, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

TĂNG HUYẾT ÁP: NGUY CƠ, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Tăng huyết áp (hay còn gọi là cao huyết áp) là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất hiện nay. Đây là tình trạng khi áp lực của máu lên thành động mạch tăng cao trong thời gian dài, khiến tim và mạch máu phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát.

 

Vì sao tăng huyết áp nguy hiểm?

Tăng huyết áp không chỉ đơn thuần là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch tăng, mà nó còn kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến tim và động mạch. Theo thời gian, tăng huyết áp nếu không được theo dõi và kiểm soát tốt sẽ gây ra các biến chứng về tim mạch, đột quỵ và thận.

Trong đó, các biến chứng điển hình nhất là: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, nhũn não, xuất huyết não, mờ mắt, bệnh động mạch ngoại vi, phình hoặc phình tách thành động mạch... Đây là những biến chứng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, có khả năng gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất đối với gia đình bệnh nhân và xã hội.

Tăng huyết áp còn nguy hiểm bởi chúng thường diễn biến âm thầm và không có triệu chứng báo trước nào. Trên thực tế có nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không hề hay biết. Đến khi phát hiện thì đã bị mắc các biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc phải chịu thương tật suốt đời. Không ít trường hợp bệnh nhân thấy có triệu chứng đau đầu thì cũng là lúc phát hiện mình bị xuất huyết não, khả năng cứu chữa vô cùng mong manh.

 

Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Sử dụng quá nhiều muối, chất béo bão hòa, đồ ăn chế biến sẵn và thiếu hụt các loại rau xanh, hoa quả.

- Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ tạo áp lực lớn hơn lên mạch máu và tim.

- Lười vận động: Thiếu vận động thể chất có thể làm yếu hệ tim mạch, gây tăng nguy cơ huyết áp cao.

- Căng thẳng và lo âu kéo dài: Stress thường xuyên có thể làm tăng hormone gây co mạch, làm tăng huyết áp.

- Hút thuốc lá và uống rượu bia: Các chất kích thích này làm tổn thương thành mạch, tăng nguy cơ xơ vữa và tăng huyết áp.

- Yếu tố di truyền: Tăng huyết áp cũng có thể do yếu tố gia đình, nếu có người thân mắc bệnh, nguy cơ sẽ cao hơn.

- Mắc các bệnh lý về thận, nội tiết, tim mạch…

 

Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp

Đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn người tăng huyết áp thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng tăng huyết áp thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng.

Các triệu chứng của tăng huyết áp rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người. Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: Choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, ù tai; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn...

Một người khi có các dấu hiệu kể trên, đặc biệt xuất hiện thường xuyên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.

 

Cách phòng ngừa tăng huyết áp

1. Kiểm soát chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp làm giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng. Chế độ ăn hợp lý được đề xuất như sau:

- Nên ăn: Hoa quả, rau xanh, ngũ cốc thô như gạo lứt, các loại đậu... thực phẩm nhiều xơ (vì chất xơ có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp). Nên ăn thức ăn không có mỡ và rất ít mỡ, tiêu thụ chất béo có nguồn gốc thực vật, dầu thực vật, dầu cá; ăn các loại hải sản giàu Omega 3 như cá hồi, cá trích… và mỗi ngày nên ăn khoảng 55 - 95g các chế phẩm từ sữa như sữa chua.

- Không nên ăn: Các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò..., lòng đỏ trứng, nội tạng, tiết động vật, các loại thức ăn nhanh (mì tôm...) và thực phẩm ăn sẵn chiên rán. Hạn chế các loại nước ngọt có ga, các loại bia, bột nở, các loại bột làm sủi bọt…

- Cắt giảm muối: Nếu có thể nên cắt giảm tối đa muối trong khẩu phần ăn hàng ngày vì natri, một thành phần chính có trong muối thường giữ nước, tăng gánh nặng cho tim. Càng ăn nhạt, càng tiêu thụ ít muối (dưới 5g/ngày) thì càng tốt cho người bệnh tăng huyết áp.

- Kiểm tra nguồn nước dùng: Nguồn nước gia đình đang dùng có thể chứa nhiều natri, làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Vậy nên cần kiểm tra kỹ nguồn nước đang sử dụng.

2. Tập thể dục đều đặn

Luyện tập thể dục thường xuyên có tác dụng làm giảm huyết áp và giảm cân nặng, duy trì cân nặng cơ thể ở mức lý tưởng.

Để phòng ngừa tăng huyết áp chúng ta nên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Các bài tập có thể đa dạng từ đi bộ nhanh, đạp xe, yoga, tập aerobic hoặc bơi lội… Tùy vào sở thích và khả năng tập luyện của mỗi người.

3. Từ bỏ thói quen xấu

- Bỏ hút thuốc lá: Các nghiên cứu chỉ rõ việc hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ tim mạch gấp nhiều lần ở người cao huyết áp. Ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.

- Hạn chế uống rượu bia quá mức: Việc uống nhiều rượu sẽ dẫn tới nguy cơ béo phì, tăng huyết áp khó kiểm soát và gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.

- Hạn chế stress, căng thẳng quá mức: Stress thường dẫn đến những thói quen không lành mạnh như chế độ ăn bừa bãi, lạm dụng rượu bia, thuốc lá...gây ảnh hưởng tới các chỉ số huyết áp. Cách tốt nhất là bạn không nên thức khuya, làm việc quá căng thẳng, nên ngủ đúng giờ, tối thiểu 7 giờ/ngày; thiền và hít thở sâu; dành thời gian thư giãn, thực hiện các hoạt động mà bạn yêu thích.

4. Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì

Thực tế rất nhiều người tăng huyết áp bị thừa cân. Nguy cơ huyết áp cao thường tăng dần ở phụ nữ cao tuổi sau mãn kinh, những người béo phì, bụng to (với vùng bụng >85cm ở nữ và >95cm ở nam).

Đối với trường hợp này, các bác sĩ có thể chỉ định một chế độ ăn kết hợp với tập luyện dành cho bạn. Kết quả là khi cân nặng giảm xuống, huyết áp của bạn cũng giảm theo đáng kể.

5. Chú ý lối sống

Lối sống đóng vai trò quan trọng đối với những người mắc bệnh tim mạch. Lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa và giảm đáng kể việc phải dùng thuốc điều trị bệnh.

6. Theo dõi huyết áp

Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg. 

Bảng 1: Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp dựa trên đo huyết áp phòng khám, đo huyết áp lưu động và đo huyết áp tại nhà

 

HATT/HATTr, mmHg

Huyết áp phòng khám

140 và/ hoặc90

                                                                                                Theo dõi huyết áp lưu động

Trung bình 24h

 ≥ 130 và/ hoặc ≥ 80

Trung bình ban ngày (hoặc lúc thức)

 ≥ 135 và/ hoặc ≥ 85

Trung bình ban đêm (hoặc lúc ngủ)

120 và/ hoặc ≥  70

Theo dõi huyết áp tại nhà

 ≥ 135 và/ hoặc ≥ 85

Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp của ISH 2020

Bạn nên đo huyết áp định kỳ và khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp và điều trị kịp thời.

 

Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến nhưng có thể kiểm soát và phòng ngừa nếu bạn thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe hợp lý. Đừng quên duy trì lối sống lành mạnh, theo dõi sức khỏe thường xuyên và tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ khi cần thiết để có một sức khỏe khỏe mạnh.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận