THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
- Người viết: Admin lúc
- Sức khỏe mỗi ngày
- - 0 Bình luận
Thiếu máu do thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu thiếu sắt, là một trong những loại thiếu máu phổ biến nhất trên thế giới. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không có đủ sắt để sản xuất Hemoglobin - một protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy trong máu đến các mô trong cơ thể. Trong bài viết này, hãy cùng Y Phúc tìm hiểu về vai trò, nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp điều trị thiếu máu do thiếu sắt nhé!
Vai trò sắt trong cơ thể
- Sắt là một nguyên tố vi lượng rất ít trong cơ thể, chiếm khoảng 0,004% và được phân bố ở nhiều loại tế bào của cơ thể.
- Sắt tham gia vào cấu tạo thành phần Hemoglobin của hồng cầu, Myoglobin của cơ vân và các sắc tố hô hấp ở mô bào và trong các men.
- Sắt còn là thành phần quan trọng của nhân tế bào, giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tiêu diệt vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể; giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường; sản xuất và giải phóng năng lượng trong cơ thể; giảm đau bụng kinh và tăng khả năng tập trung.
- Sắt giúp tăng cường sinh lực, giảm mệt mỏi, là thành phần quan trọng của máu, giúp giữ và vận chuyển Oxy đến tế bào và lấy đi CO2.
Nguyên nhân thiếu sắt
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt trong đó hay gặp nhất là do:
1. Không cung cấp đủ nhu cầu sắt
- Do tăng nhu cầu sắt: trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai, cho con bú…
- Do cung cấp thiếu, chế độ ăn uống ít chất sắt: chế độ ăn uống không cân đối, ăn kiêng, người nghiện rượu, người già…
- Do cơ thể giảm hấp thu sắt: cơ thể có vấn đề về ruột non, dạy dày…
- Do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như Tanin, Phytat trong chè, cà phê; nước uống có gas...
2. Mất sắt do mất máu mạn tính
- Loét dạ dày tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, polyp đường ruột, viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu nhiều qua kinh nguyệt; sau phẫu thuật, sau chấn thương, u xơ tử cung…
- Tan máu trong lòng mạch: bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm.
3. Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh hay cách gọi khác là Hypotransferrinemia
Cơ thể không tổng hợp được Transferrin vận chuyển sắt. Bệnh này rất nguy hiểm, nó dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho gan, tim, xương khớp như suy tim, đau xương khớp, tiểu đường...
Triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu sắt
- Mệt mỏi bất thường: ngoài tình trạng mệt mỏi cơ thể còn có các dấu hiệu như yếu ớt, uể oải, mức năng lượng thấp, khó tập trung hay giảm năng suất làm việc.
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt: khi thiếu sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ Hemoglobin làm giảm lưu thông máu đến da, khiến da trở nên nhợt nhạt.
- Đau ngực, khó thở: triệu chứng này trở nên nặng hơn khi gắng sức, hoạt động thể lực vì hàm lượng Hemoglobin trong cơ thể ít hơn bình thường dẫn đến oxy vận chuyển đến các tế bào bị hạn chế.
- Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu: bắt nguồn từ việc oxy lên não không đủ làm các mạch máu sưng lên, gây áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu, chóng mặt, mất tập trung.
- Nhịp tim nhanh: do hệ tim mạch tăng hoạt động để duy trì oxy cho cơ thể, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
Ngoài các triệu chứng thường gặp trên còn có các triệu chứng: sưng đau lưỡi và miệng; móng tay và móng chân dễ gãy; da tóc hư tổn; hội chứng chân bồn chồn; đau mỏi cơ, xương khớp; chán ăn; rối loạn tiêu hóa; rối loạn kinh nguyệt...
Điều trị và phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt
- Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, gây mất bù về tim mạch.
- Điều trị thiếu máu do thiếu sắt cần tập trung chủ yếu vào điều trị nguyên nhân cơ bản, mặc dù nguyên nhân thiếu máu thường khó xác định.
- Bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, nên sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng uống.
- Người bệnh thiếu máu thiếu sắt nên thực hiện theo chế độ ăn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.
- Bổ sung thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn uống hàng ngày như thịt đỏ, gan, hải sản, đậu, đậu phụ, trái cây sấy khô, … và rau lá xanh đậm. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kết hợp thực phẩm giàu vitamin C như cam, dâu tây… hoặc ớt chuông để tăng cường hấp thu sắt.
- Không nên uống trà, cà phê ngay sau khi ăn.
- Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt, trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể.
- Cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt đòi hỏi một chế độ ăn uống cân đối và chú trọng đến việc bổ sung đủ lượng sắt. Đối với những người có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai hoặc người ăn chay, việc bổ sung sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ là cần thiết. Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe cũng là cách hiệu quả để phòng ngừa tình trạng thiếu máu.
Viết bình luận
Bình luận