Thoái hóa xương khớp tưởng chừng chỉ xảy ra ở tuổi già, nhưng hiện nay tỷ lệ người trẻ mắc phải căn bệnh này ngày càng gia tăng. Không chỉ gây đau, cứng khớp và hạn chế khả năng vận động, thoái hóa khớp còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khác nếu như không điều trị kịp thời. Hãy cùng Y Phúc tìm hiểu ở bài viết này nhé!
Thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là một bệnh lý mãn tính phổ biến ở hệ cơ xương, đặc biệt là ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi sụn khớp – mô bảo vệ bao phủ các đầu xương trong khớp – bị mòn dần theo thời gian, phá vỡ cấu trúc dẫn đến các khớp trở nên đau đớn, cứng và khó vận động. Mặc dù thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể, nhưng khớp gối, khớp háng, cột sống và các khớp nhỏ ở tay là những khu vực thường bị ảnh hưởng nhất.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Có nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra thoái hóa khớp, bao gồm:
- Tuổi tác
Nguy cơ thoái hóa khớp tăng lên đáng kể theo tuổi tác, do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, hệ xương khớp cũng chịu nhiều ảnh hưởng, suy yếu dần và bắt đầu thoái hóa.
Cụ thể, hàm lượng nước trong sụn khớp tăng dần theo tuổi tác và chất lượng Protid trong sụn giảm dẫn đến việc sụn khớp bắt đầu thoái hóa. Vận động trong thời gian dài khiến phần sụn này bị tổn thương, gây nên tình trạng nứt, bong thậm chí là tiêu biến sụn, gia tăng ma sát giữ khớp gây nên đau và thoái hóa.
- Chấn thương khớp
Các chấn thương do luyện tập thể thao quá độ hay tai nạn…, dù là nhỏ, nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến thoái hóa khớp sau này.
- Thừa cân
Trọng lượng cơ thể quá lớn tạo áp lực lên các khớp trên cơ thể, đặc biệt là khớp gối, hông và cột sống, làm tăng nguy cơ thoái hóa. Việc duy trì chỉ số cơ thể hoặc giảm cân để về trọng lượng lý tưởng giúp ngăn ngừa hiện tượng thoái hóa cũng như làm giảm tốc độ tiến triển khi bệnh bắt đầu hình thành.
- Yếu tố di truyền
Nếu gia đình bạn có người bị thoái hóa khớp, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường do có khiếm khuyết di truyền ở những gen có chức năng hình thành sụn, dẫn đến hao hụt ở sụn khớp, đẩy nhanh tình trạng thoái hóa.
- Tính chất công việc
Những người làm việc phải ngồi nhiều, thực hiện các động tác lặp đi lặp lại hoặc làm việc nặng nhọc về tay chân như bốc vác, làm việc thủ công, sử dụng khớp quá độ, có thể dễ bị thoái hóa khớp.
- Mang giày cao gót
Nữ giới là đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa xương khớp cao và mức độ bệnh thường nặng hơn so với nam giới. Lý do là nhiều chị em có thói quen mang giày cao gót thường xuyên để tôn dáng.
Tuy nhiên phái đẹp quên rằng giày cao gót thực sự là “kẻ thù” của xương khớp. Đi giày cao gót quá nhiều có thể làm lệch trọng tâm cơ thể, gây áp lực lên các khớp, gân cơ và dây chằng. Theo thời gian, phụ nữ dễ bị đau bàn chân, cổ chân, khớp gối, đau háng và thoái hóa cột sống thắt lưng.
- Một số nguyên nhân khác:
Sinh hoạt sai tư thế như ngồi, nằm hay cúi gập người sai cách; khuân vác vật nặng thường xuyên; ngồi hoặc đứng lâu một chỗ, ít vận động.
Chế độ ăn uống không khoa học, không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu canxi, glucosamine, chondroitin hay thừa sắt hoặc hormone tăng trưởng.
Mắc các bệnh lý khác như loãng xương, nhiễm trùng khớp, viêm khớp dạng thấp… cũng làm tăng tỷ lệ thoái hóa các khớp.
Dị tật khớp bẩm sinh.
Triệu chứng của thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp thường tiến triển chậm, với các triệu chứng ban đầu như:
- Đau khớp
Ở giai đoạn nhẹ, tại khớp sẽ xuất hiện cơn đau âm ỉ trong hoặc sau khi vận động, sau đó biến mất nhanh chóng nên dễ khiến người bệnh chủ quan.
Về lâu dài, khi sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng, cường độ đau sẽ dữ dội và kéo dài hơn, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
- Cứng khớp
Khớp cứng không vận động được thường đi kèm với triệu chứng đau nhức, xuất hiện chủ yếu vào buổi sáng khi người bệnh ngủ dậy hoặc sau một thời gian không vận động di chuyển hoặc ngồi lâu một chỗ, khiến người bệnh khó thực hiện các động tác xoay cổ, đứng lên ngồi xuống, lên xuống cầu thang, gấp cổ tay hoặc duỗi tay sang đối diện.
- Giảm phạm vi vận động
Khi bị thoái hóa khớp, các hoạt động hằng ngày của người bệnh sẽ bị hạn chế. Chẳng hạn như, ở người thoái hóa khớp gối, việc đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, ngồi xổm, co duỗi gối sẽ khó khăn hơn.
- Khớp sưng tấy và nóng ran
Thoái hóa khớp kéo dài thường dẫn đến tình trạng sưng tấy làm biến dạng các khớp và vùng cơ xung quanh khớp. Nếu không vận động trong thời gian dài sẽ gây teo cơ, đầu gối bị lệch khỏi trục…
- Tiếng kêu trong khớp
Các đầu xương cọ xát vào nhau do lớp sụn khớp bị bào mòn, gai xương mọc nhiều, dẫn đến giảm độ nhờn trong khớp tạo ra những âm thanh lộp cộp, răng rắc khi vận động di chuyển.
Thoái hóa khớp có nguy hiểm không?
Thoái hóa khớp không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng nó có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đau nhức và cứng khớp kéo dài có thể làm giảm khả năng vận động, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp có thể dẫn đến tàn phế, làm mất khả năng lao động và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương khớp khác.
Ngoài ra, thoái hóa khớp còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, gây ra tình trạng lo âu, trầm cảm do cảm giác đau đớn kéo dài và mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân.
Thoái hóa khớp là một bệnh lý phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát đúng cách. Mặc dù không thể chữa trị hoàn toàn, nhưng việc nhận biết sớm và áp dụng các biện pháp điều trị, phòng ngừa thích hợp có thể giúp bạn sống chung với thoái hóa khớp mà vẫn duy trì được chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Viết bình luận
Bình luận