Adenovirus là bệnh gì? Những triệu chứng khi mắc phải Adenovirus

Adenovirus là bệnh gì? Những triệu chứng khi mắc phải Adenovirus

Hiện nay, số ca mắc Adenovirus ngày càng tăng mạnh, theo ghi nhận từ bệnh viện nhi trung ương Hà Nội đã lên đến 1406 trường hợp trẻ mắc dịch bệnh này. Adenovirus là căn bệnh truyền nhiễm đã được phát hiện đầu tiên vào năm 1953. Và tại Việt Nam, căn bệnh này càng ngày càng phổ biến hơn và chủ yếu bùng phát vào những thời điểm giao mùa xuân-hạ và thu-đông.

Virus Adeno là bệnh gì?

Bệnh do virus Adeno là một bệnh virus cấp tính. Người nhiễm bệnh có thể trực tiếp hoặc gián tiếp mắc phải và thường bị lây qua đường hô hấp. Người bệnh sẽ có những biểu hiện ở đường hô hấp trên hoặc cũng có thể là đường hô hấp dưới.

Loại virus này được phân thành 2 nhóm: MastAdenovirus gây bệnh trên cơ thể động vật có vú và Avi Adenovirus gây bệnh ở loài chim. Các nhà khoa học đã phân lập được 47 loại virus, trong đó những loại gây bệnh trên cơ thể người là:

  • Loại 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc.
  • Loại 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em.
  • Loại 5, 8, 19 thường gây ra các bệnh nặng hơn.

Những triệu chứng khi nhiễm Adenovirus

Adenovirus có thể gây nhầm lẫn với nhiều người khi triệu chứng của nó ban đầu có thể giống những bệnh cảm cúm, xổ mũi thông thường. Do đó, chúng ta cần chú trọng những triệu chứng điển hình khi đó có thể là Virus Adeno. Một số triệu chứng phổ biến hiện nay khi nhiễm Adenovirus bạn cần biết, đó là:

  • Viêm họng cấp: Ho, sốt, đau đầu, sưng họng, chảy nước mũi kéo dài từ 7 - 14 ngày.
  • Viêm họng kết mạc: Viêm họng cấp kèm theo viêm kết mạc mắt đỏ, không đau, có chảy dịch bên trong.
  • Viêm đường hô hấp cấp: Hạch cổ sưng đau, kèm theo ho, viêm họng và sốt cao (có thể lên trên 39 độ C).
  • Viêm phổi: Sốt cao, ho, chảy nước mũi cùng với các dấu hiệu tổn thương ở phổi. Bệnh do chủ yếu type 3,4,7 và 14 gây ra.
  • Viêm dạ dày, ruột: Sốt, buồn nôn, đi ngoài nhiều nước kéo dài khoảng 7 ngày. Bệnh do chủ yếu type 31, 40, 41 gây ra.
  • Một số bệnh khác: Viêm bàng quang chảy máu hay ở trong tử cung, niệu đạo cũng có thể xuất hiện virus từ việc lây lan qua đường tình dục.

Một số trường hợp, người bị nhiễm loại Adenovirus lại không biểu hiện ra thành triệu chứng - gọi là thể ẩn và mặc nhiên nó vẫn giữ nguyên khả năng lây bệnh cho người khác và vô hình trung khiến dịch bệnh khó kiểm soát hơn. 

Bên cạnh đó, trường hợp bệnh nhân dương tính với Adenovirus và khỏi bệnh thì người đó sẽ có khả năng miễn dịch với type của virus này nhưng vẫn có thể hoàn toàn bị nhiễm Adenovirus của type khác. 

Những con đường lây truyền Adenovirus

Trường học, công viên, trung tâm chăm sóc trẻ,.. chính là môi trường tiếp xúc gần tạo điều kiện lây lan dễ dàng hơn. Adenovirus thường lây lan qua đường giọt bắn, đường hô hấp, sử dụng chung nguồn nước khi bơi, dùng chung đồ dùng cá nhân, đường phân-miệng,... Adenovirus có khả năng gây bệnh với tất cả đối tượng, nhưng phổ biến nhất là người đang có hệ miễn dịch kém như mới ốm dậy, trẻ em từ 6 tháng tới 5 tuổi và cả người già có bệnh mạn tính.

Adenovirus có thể tồn tại khoảng 30 ngày nếu sống ở nhiệt độ phòng và chúng có thể sống nhiều tháng trong điều kiện nhiệt độ 40 độ C. Đặc biệt, khi ở mức nhiệt càng thấp thì khả năng sinh sống của loại virus này càng cao, cụ thể chúng có thể sống nhiều năm khi ở mức nhiệt độ là -200 độ C. Chưa dừng lại ở đó, chúng có thể nhân lên sau 30 giờ kể từ khi xâm nhập vào vật chủ. Chính vì những đặc tính tồn tại và sinh sống của loài virus này mà khả năng lây nhiễm và lan truyền qua cộng đồng cực kì cao. 

Cách phòng ngừa Adenovirus 

Để giảm thiểu tình tình trạng nhiễm Adenovirus chúng ta cần lưu ý những điều sau:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên giúp bạn hạn chế khỏi các tác nhân vi khuẩn, virut gây bệnh
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng và tập luyện để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Cần tuân thủ ăn chín, uống sôi; thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh và sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt.
  • Đối với bể bơi và nguồn nước giếng bị bẩn do mưa lũ, cần tiến hành kiểm tra khử trùng bằng cloramin B.
  • Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người khác như khăn mặt, khăn tắm…
  • Khi chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh thì cần chủ động bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang, không sử dụng chung đồ với người bệnh và thực hiện sát khuẩn thường xuyên.

Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng chống virus Adeno. Trong khi đó, vắc xin Adenovirus của CDC Mỹ chứa type 4 và 7 chỉ được phục vụ cho quân nhân và không có trong cộng đồng. 

Việc theo dõi và phát hiện sớm Adenovirus sẽ giúp hạn chế và kiểm soát được khả năng tiến triển của bệnh và kịp thời ngăn ngừa mầm mống lây lan tạo thành dịch. Trong đó, phương pháp xác định bệnh hiệu quả nhất chính là xét nghiệm bằng Realtime PCR tại các bệnh viện trên toàn quốc. 

Bệnh mắc phải do loại Adenovirus ngày tăng khiến cho không ít cha mẹ lo lắng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sát sao tình trạng của trẻ và nếu thấy dấu hiệu khả nghi nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
 

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận