NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH THỦY ĐẬU

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH THỦY ĐẬU

Thủy đậu là gì?

Thủy đậu là bệnh lây nhiễm cấp tính do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Bệnh có thể gây phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa, phồng rộp cùng với những triệu chứng khác. Phát ban ban đầu xuất hiện trên ngực, lưng và mặt, sau đó có thể lan ra khắp cơ thể.

 

Nguyên nhân bị thủy đậu

Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp như ho khan, hắt xì và lây gián tiếp khi tiếp xúc với nước miếng, dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước.

Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu: người bệnh có khả năng lây cho những người xung quanh chỉ trong 1 – 2 ngày trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày) và cho đến khi ban đóng vảy.

Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền, tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.

 

Triệu chứng của thủy đậu theo từng giai đoạn

Hình ảnh nốt mụn nước thủy đậu qua từng ngày

Các triệu chứng của thủy đậu thường xuất hiện sau 10-21 ngày kể từ khi nhiễm virus và kéo dài từ 5 đến 10 ngày.  Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các dấu hiệu bệnh thủy đậu như: sốt, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi và cảm giác khó chịu trong người. Các giai đoạn của thủy đậu được biểu hiện như sau:

1. Giai đoạn ủ bệnh

Vi rút gây bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần. Tùy thuộc vào sức đề kháng và đối tượng nhiễm bệnh mà thời gian ủ bệnh ở mỗi người không giống nhau, trung bình kéo dài từ 10 – 20 ngày. 

2. Giai đoạn phát bệnh

Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 - 2 ngày. Lúc này, người bệnh có thể thấy cơ thể xuất hiện những nốt ban đỏ hồng, nổi mẩn ngứa bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, đau nhức người, sốt nhẹ, đau họng.

3. Giai đoạn toàn phát

Một khi phát ban thủy đậu xuất hiện, nó sẽ có màu màu hồng hoặc đỏ (sẩn). Các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng (mụn nước) hình thành trong khoảng 1 ngày, sau đó vỡ và rỉ dịch.

Ban mọc nhiều ở vùng ít bị tì đè như vùng liên bả, bên sườn, nách, kheo, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, chân tay thì ít ban hơn. Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da, do đó người bệnh sẽ thấy ban mọc ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vảy.

4. Giai đoạn hồi phục

Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày, vảy tiết thường rụng sau 1-3 tuần. Nếu bệnh thủy đậu không có biến chứng thì các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu người bệnh bị nhiễm trùng mụn nước thì sẽ có thể để lại sẹo, đặc biệt nếu bị bội nhiễm, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn.

 

Các cách phòng bệnh thủy đậu

1. Tiêm phòng vắc xin

Vắc xin thủy đậu là vắc xin sống giảm độc lực, được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster.

Trẻ em cần được tiêm một liều vắc xin và người lớn được tiêm hai liều. Một số trường hợp có thể có thủy đậu sau tiêm phòng.

Không tiêm vắc xin thủy đậu cho trẻ suy giảm miễn dịch nặng (trẻ nhiễm HIV có triệu chứng).

2. Dự phòng không đặc hiệu

Tránh tiếp xúc người bệnh bị thủy đậu hoặc Zona:

- Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu, đặc biệt là tránh tiếp xúc với các dịch cơ thể như nước bọt, nước mắt, chất dịch từ vết phồng rộp của người nhiễm bệnh.

- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người đang mắc bệnh thủy đậu.

- Tránh đi đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao về lây nhiễm virus thủy đậu.

Vệ sinh cá nhân:

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh thủy đậu, sau khi đi vệ sinh, và trước khi ăn.

- Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày bằng nước và xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh/ nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Thay quần áo và đồ gia dụng cá nhân thường xuyên.

Giữ vệ sinh môi trường sống:

- Vệ sinh và làm sạch nơi làm việc và sinh sống thường xuyên để giữ môi trường sạch sẽ.

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc thường xuyên trong nhà như cửa tay nắm, bàn làm việc, bàn ăn… bằng các chất khử trùng như chất khử trùng có cồn hoặc dung dịch chứa clo để tiêu diệt virus thủy đậu.

- Rửa sạch các vật dụng cá nhân và các vật dụng khác bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên để loại bỏ virus thủy đậu.

- Rác và chất thải cần được thu gom và xử lý gọn gàng, sạch sẽ và khoa học để ngăn chặn sự phát triển và lây nhiễm virus thủy đậu.

 

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Việc nhận biết các triệu chứng, chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ giúp giảm thiểu tác động của bệnh. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu của thủy đậu, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận